logo DEPROS ICC

CÁC LUẬT CÓ HIỆU LỰC TỪ NĂM 2020

2020-01-03 15:08:43

Bước sang năm 2020, hàng loạt Luật mới có hiệu lực, tác động đến nhiều lĩnh vực khác nhau của đời sống xã hội...

Khắc phục vướng mắc “có vốn trước hay có dự án trước”

Có hiệu lực từ ngày 1/1/2020, Luật Đầu tư công năm 2019 có một số điểm mới, cụ thể như sau:

Thứ nhất là, thống nhất về nguồn vốn đầu tư công (nguồn vốn ngân sách nhà nước và nguồn thu hợp pháp của các cơ quan tổ chức dành cho đầu tư).

Thứ hai, đẩy mạnh phân cấp trong việc xem xét quyết định các phê duyệt chủ trương đầu tư, đặc biệt là phân cấp thẩm định nguồn vốn và khả năng cân đối vốn.

Ba là, đẩy mạnh phân cấp cho các địa phương trong việc quyết định các dự án đầu tư công, trong đó cả các dự án nhóm A.

Bốn là, đổi mới mạnh mẽ phương thức kế hoạch hóa, nhằm đáp ứng tốt hơn đối với thực tiễn vận hành của nền kinh tế, khắc phục được vướng mắc lớn nhất về đầu tư công trước đây, đó là vấn đề “có vốn trước hay có dự án trước”.

Năm là, tăng cường hơn tính cao tính công khai, minh bạch trong hoạt động đầu tư công, Luật bổ sung quy định về Hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu quốc gia về đầu tư công.

Bảo đảm phát triển trồng trọt theo định hướng thị trường

Luật Trồng trọt điều chỉnh nhiều lĩnh vực từ giống cây trồng, phân bón, canh tác, thu hoạch, mua bán, sơ chế, chế biến, bảo quản đến xuất khẩu, nhập khẩu…

Luật bổ sung các nguyên tắc quản lý trong lĩnh vực trồng trọt đảm bảo phát triển trồng trọt theo định hướng thị trường, sản xuất hàng hoá quy mô lớn, chất lượng, phát triển thị trường quốc tế trên cơ sở khai thác hiệu quả tài nguyên, bảo vệ môi trường, thích ứng biến đổi khí hậu, bảo đảm hài hoà lợi ích giữa người sản xuất, doanh nghiệp, nhà nước và lợi ích cộng đồng.

Bổ sung và luật hoá công tác xây dựng chiến lược phát triển trong lĩnh vực trồng trọt gắn với trách nhiệm của chính quyền địa phương trong thực hiện quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; bổ sung và luật hoá các chính sách đầu tư, hỗ trợ đầu tư.

Điều chỉnh các quy định quản lý giống cây trồng theo hướng hiện đại, phù hợp với yêu cầu thực tiễn và năng lực quản lý. Giảm bớt thời gian thủ tục hành chính và kinh phí cho doanh nghiệp...

Luật cũng bổ sung quy định để quản lý chặt chẽ đối với các phân bón vô cơ hỗn hợp, ưu tiên phát triển sản xuất, sử dụng phân bón hữu cơ (không phải khảo nghiệm)…

Luật này có hiệu lực từ ngày 1/1/2020.

Phát triển ngành chăn nuôi theo các chuỗi liên kết giá trị

Luật Chăn nuôi có hiệu lực từ ngày 1/1/2020 gồm 8 chương, 83 điều, quy định về hoạt động chăn nuôi, quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân trong hoạt động chăn nuôi, quản lý nhà nước về chăn nuôi.

Theo đó, Luật quy định các nguyên tắc hoạt động chăn nuôi trên tinh thần phát triển ngành chăn nuôi theo các chuỗi liên kết giá trị, phát huy tiềm năng, lợi thế so sánh và xã hội hoá tối đa tạo nguồn lực xã hội đầu tư vào chăn nuôi theo nền kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế.

Đồng thời, Luật cũng cụ thể hoá các điều kiện sản xuất, kinh doanh như yêu cầu, điều kiện của một cơ sở chăn nuôi cần bảo đảm các yếu tố có liên quan đến an toàn dịch bệnh, an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường và cân đối thị trường sản phẩm chăn nuôi.

Phạm nhân đồng tính, chuyển giới được giam giữ riêng


Có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2020, Luật Thi hành án hình sự quy định nguyên tắc, trình tự, thủ tục, tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan, người có thẩm quyền trong thi hành bản án, quyết định về hình phạt tù, tử hình, cảnh cáo, cải tạo không giam giữ, cấm cư trú, quản chế, trục xuất, tước một số quyền công dân, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định, án treo, tha tù trước thời hạn có điều kiện, hình phạt đình chỉ hoạt động có thời hạn, đình chỉ hoạt động vĩnh viễn, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định, cấm huy động vốn, biện pháp tư pháp….

Luật bổ sung quy định giam giữ riêng đối với người đồng tính, người chuyển đổi giới tính, người chưa xác định rõ giới tính. Phạm nhân lao động không quá 8 giờ/1 ngày, không quá 5 ngày/1 tuần, được nghỉ chủ nhật, ngày lễ, tết.

Cấm ép người khác uống rượu, bia

Luật Phòng, chống tác hại của rượu bia 2019 có điều khoản cấm xúi giục, kích động, lôi kéo, ép buộc người khác uống rượu, bia được nhiều người quan tâm.

Luật này quy định biện pháp giảm mức tiêu thụ rượu, bia; biện pháp quản lý việc cung cấp rượu, bia; biện pháp giảm tác hại của rượu, bia; điều kiện bảo đảm cho hoạt động phòng, chống tác hại của rượu, bia; quản lý nhà nước và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong phòng, chống tác hại của rượu, bia.

Luật nghiêm cấm không được lái xe sau khi uống rượu bia. Đồng thời yêu cầu nhà hàng quán ăn có bán rượu, bia phải hỗ trợ gọi taxi cho khách rời nhà hàng. Các nhà hàng, siêu thị, cửa hàng tạp hóa, trung tâm thương mại phải niêm yết thông báo không bán rượu, bia cho người dưới 18 tuổi. Nếu có nghi ngờ về độ tuổi của người mua rượu, bia phải yêu cầu xuất trình căn cước công dân, chứng minh nhân dân…

Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2020.

Mua bán, sử dụng trái phép vũ khí tương tự vũ khí quân dụng sẽ bị xử lý hình sự

 

Có hiệu lực thi hành từ ngày 10/1/2020, Luật sửa đổi, bổ sung Điều 3 của Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ đã sửa đổi quy định về vũ khí có tính năng, tác dụng tương tự, trong đó quy định rõ vũ khí có tính năng, tác dụng tương tự vũ khí quân dụng là vũ khí quân dụng. Quy định này nhằm tạo căn cứ pháp lý để áp dụng quy định tại Điều 304 của Bộ luật Hình sự, xử lý hình sự đối với các hành vi chế tạo, mua bán, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khí có tính năng, tác dụng tương tự vũ khí quân dụng.

Bảo đảm quyền tiếp cận thông tin của công dân

Luật Bảo vệ bí mật Nhà nước quy định về bí mật Nhà nước, hoạt động bảo vệ bí mật Nhà nước và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan. Theo Luật này, bí mật Nhà nước được phân loại thành 3 độ mật: tuyệt mật, tối mật và mật theo từng lĩnh vực. Thời hạn bảo vệ bí mật Nhà nước là 30 năm đối với bí mật Nhà nước ở mức độ "tuyệt mật"; 20 năm đối với bí mật Nhà nước ở mức độ "tối mật"; 10 năm đối với bí mật Nhà nước ở mức độ "mật"… Đây là quy định tiến bộ của Luật nhằm đảm bảo quyền tiếp cận thông tin của công dân.

Luật còn quy định về: Gia hạn thời hạn bảo vệ bí mật Nhà nước nếu việc giải mật gây nguy hại đến lợi ích quốc gia, dân tộc; Điều chỉnh độ mật;  Giải mật; Tiêu hủy tài liệu, vật chứa bí mật Nhà nước…

Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2020.

Tốt nghiệp sư phạm không làm đúng ngành phải hoàn trả học phí

Có hiệu lực kể từ ngày 1/7/2020, Luật Giáo dục khắc phục những bất cập của Luật Giáo dục hiện hành, đáng chú ý phải kể đến một số điểm mới mang tính đột phá sau: Bổ sung quy định học sinh, sinh viên sư phạm được hỗ trợ tiền đóng học phí và chi phí sinh hoạt trong toàn khóa học. Người được hỗ trợ tiền đóng học phí và chi phí sinh hoạt sau 2 năm kể từ khi tốt nghiệp nếu không công tác trong ngành giáo dục hoặc công tác không đủ thời gian quy định thì phải bồi hoàn khoản kinh phí được hỗ trợ.

Học sinh, sinh viên sư phạm được hưởng các chính sách học bổng khuyến khích học tập, trợ cấp xã hội, miễn, giảm học phí.

Học sinh tiểu học trong cơ sở giáo dục công lập không phải đóng học phí; ở địa bàn không đủ trường công lập, học sinh tiểu học trong cơ sở giáo dục tư thục được Nhà nước hỗ trợ tiền đóng học phí…

Mở rộng đối tượng được thành lập thư viện

Luật Thư viện nêu rõ, Nhà nước đầu tư cho thư viện công lập. Bên cạnh đó, Nhà nước hỗ trợ đầu tư các nội dung sau: Cung cấp dịch vụ sự nghiệp công trong lĩnh vực thư viện, phát triển văn hóa đọc; duy trì và phát triển thư viện cộng đồng, thư viện tư nhân có phục vụ cộng đồng không vì mục tiêu lợi nhuận; cước vận chuyển tài liệu thư viện phục vụ nhiệm vụ chính trị, khu vực biên giới, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn…Luật Thư viện có nhiều điểm mới như: Bổ sung loại hình thư viện ngoài công lập; Mở rộng đối tượng được thành lập thư viện; Xây dựng và cung cấp dịch vụ thư viện số; Đẩy mạnh liên thông giữa các thư viện; Định kỳ hàng năm đánh giá hoạt động thư viện...

Luật này có hiệu lực kể từ ngày 1/7/2020.

Giảm số lượng đại biểu HĐND các cấp

Có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2020, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương sửa đổi, bổ sung 4 Điều của Luật Tổ chức Chính phủ (gồm Điều 23, Điều 28, Điều 32 và Điều 40); trong đó, người đứng đầu Chính phủ có thêm thẩm quyền: Chỉ đạo và thống nhất quản lý cán bộ, công chức, viên chức; Quyết định thành lập, sáp nhập, giải thể các cơ quan, tổ chức khác thuộc UBND cấp tỉnh; Thành lập hội đồng, ủy ban hoặc ban khi cần thiết để giúp lãnh đạo Chính phủ nghiên cứu, chỉ đạo, phối hợp giải quyết những vấn đề quan trọng liên ngành.

Chính phủ có thêm một số quyền như: Quyết định số lương biên chế tối thiểu để tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, cấp huyện và các đơn vị trực thuộc cơ quan chuyên môn của UBND cấp tỉnh; Quyết định quản lý cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập; Quy định số lượng cấp phó tối đa của người đứng đầu đơn vị trực thuộc cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp huyện, đơn vị trực thuộc cơ quan chuyên môn của UBND cấp tỉnh...

Với Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Luật tập trung sửa đổi cơ cấu tổ chức của HĐND, UBND các cấp về mô hình tổ chức; số lượng cấp phó; bộ máy giúp việc. Một trong những điểm đáng chú ý nhất của Luật là giảm số lượng đại biểu HĐND các cấp.

Thêm nhiều trường hợp tạm hoãn nghĩa vụ dân quân tự vệ

Kể từ ngày Luật Dân quân tự vệ có hiệu lực thi hành (1/7/2020), thêm một số trường hợp tạm hoãn nghĩa vụ dân quân tự vệ, như nam giới một mình nuôi con nhỏ dưới 36 tháng tuổi; người có chồng hoặc vợ là công chức, viên chức, công nhân quốc phòng đang phục vụ trong quân đội, công an; lao động chính duy nhất trong hộ cận nghèo... Một số trường hợp được thôi nghĩa vụ trước thời hạn, như: Người có lệnh gọi nhập ngũ hoặc lệnh gọi thực hiện nghĩa vụ công an; có quyết định tuyển dụng công chức, viên chức, công nhân quốc phòng hoặc công an nhân dân; Người có giấy báo và vào học ở cơ sở giáo dục đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp, trường của cơ quan Nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội; có giấy báo và đi lao động, học tập, làm việc ở nước ngoài; Dân quân nữ tự vệ mang thai hoặc nuôi con nhỏ dưới 36 tháng tuổi.

Tạo thuận lợi cho người dân về xuất nhập cảnh

Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam là Luật mới, với nhiều điểm chú ý, đặc biệt là trong công tác cấp hộ chiếu: Người có Thẻ căn cước công dân thực hiện tại cơ quan Quản lý xuất nhập cảnh Công an tỉnh, thành phố trực thuộc TW nơi thuận lợi; Người từ đủ 14 tuổi trở lên có quyền lựa chọn cấp hộ chiếu có gắn chíp điện tử hoặc hộ chiếu không gắn chip điện tử.

Cấp hộ chiếu theo thủ tục rút gọn trong các trường hợp: Người ra nước ngoài có thời hạn bị mất hộ chiếu, có nguyện vọng về nước ngay; Người có quyết định trục xuất… Hộ chiếu cấp theo thủ tục rút gọn có thời hạn không quá 12 tháng và không được gia hạn; Dấu vân tay của người đề nghị cấp hộ chiếu sẽ được thu nhận trong quá trình thực hiện thủ tục để phục vụ cho Cơ sở dữ liệu quốc gia về xuất cảnh, nhập cảnh của công dân…

Luật này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/7/2020.

Hàng loạt quy định mới liên quan đến công chức, viên chức

Một trong những nội dung đáng chú ý của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức (có hiệu lực từ ngày 1/7/2020) là việc bổ sung 1 hình thức xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức. Đặc biệt nhấn mạnh việc sau khi đã nghỉ việc, nghỉ hưu, cán bộ, công chức vẫn có thể bị xử lý bằng hình thức “xóa tư cách chức vụ đã đảm nhiệm”.

Không chỉ tác động mạnh mẽ đến cán bộ, công chức mà dự án Luật này cũng ảnh hưởng không nhỏ đến viên chức. Một trong số đó là quy định về 2 loại hợp đồng làm việc. Theo đó, viên chức vẫn thực hiện 2 loại hợp đồng là không xác định thời hạn và xác định thời hạn.

Đối với hợp đồng không xác định thời hạn hay còn gọi là “chế độ biên chế suốt đời” của viên chức sẽ không còn được áp dụng với các đối tượng mới được tuyển dụng từ ngày 1/7/2020.

Tạo thuận lợi trong việc gọi, tập trung huấn luyện quân nhân dự bị

Có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2020, Luật Lực lượng dự bị động viên có các nội dung chính như: Xây dựng, huy động lực lượng dự bị động viên, thống nhất với Luật Quốc phòng, đồng thời bảo đảm phân cấp về chỉ huy, chỉ đạo trong hệ thống tổ chức của Quân đội; Đăng ký, quản lý quân nhân dự bị; Chế độ chính sách và kinh phí bảo đảm cho xây dựng, huy động lực lượng dự bị động viên; Trách nhiệm của cơ quan, tổ chức trong xây dựng và huy động lực lượng dự bị động viên; Quyền và nghĩa vụ của chủ phương tiện kỹ thuật dự bị và việc bồi thường thiệt hại do việc huy động, điều động phương tiện kỹ thuật dự bị gây ra; Việc huấn luyện, diễn tập, kiểm tra sẵn sàng động viên, sẵn sàng chiến đấu quân nhân dự bị, phương tiện kỹ thuật dự bị, đơn vị dự bị động viên; Quy định về cơ sở huấn luyện dự bị động viên cấp tỉnh, giao Chính phủ quy định cụ thể về cơ sở huấn luyện dự bị động viên cấp tỉnh cho phù hợp với đặc điểm địa bàn từng địa phương, tạo thuận lợi trong việc gọi, tập trung huấn luyện quân nhân dự bị…

Bổ sung thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của Kiểm toán Nhà nước

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kiểm toán Nhà nước bổ sung quy định cụ thể, rõ ràng, chặt chẽ về cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động kiểm toán; Sửa đổi bổ sung về nhiệm vụ, quyền hạn của Kiểm toán Nhà nước; Bổ sung thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của Kiểm toán Nhà nước; Bổ sung quyền khiếu nại và khởi kiện của đơn vị được kiểm toán; Sửa đổi, bổ sung việc đại biểu Quốc hội, HĐND, Ban của Hội đồng nhân dân, Tổ đại biểu HĐND, đại biểu HĐND được quyền đề nghị Kiểm toán Nhà nước xem xét, quyết định thực hiện việc kiểm toán đối với vụ việc có dấu hiệu tham nhũng được phát hiện qua quá trình giám sát và cơ chế phản hồi của Kiểm toán Nhà nước.

Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2020.

Nguồn: Tổng hợp

0988533319