logo DEPROS ICC

Chương lao động giữ vai trò quan trọng trong hiệp định thương mại tự do EU-Việt Nam

2019-06-06 12:54:11

Việt Nam đã đạt được những bước tiến lớn hướng tới việc phê chuẩn các công ước cơ bản của ILO cũng như việc sửa đổi Bộ Luật Lao động, thể hiện thiện chí và những nỗ lực có hiệu quả hướng tới việc ký kết và phê chuẩn Hiệp định EVFTA.

HÀ NỘI – Chương liên quan đến lao động có vai trò rất quan trọng đối với hiệp định thương mại tự do giữa Liên minh Châu Âu (EU) với Việt Nam (gọi tắt là EVFTA), đặc biệt trong giai đoạn bỏ phiếu, một quan chức cấp cao của Ủy ban Châu Âu cho biết. 

Phát biểu tại buổi Tọa đàm về vấn đề lao động trong EVFTA tại Hà Nội ngày 13/5 vừa qua, bà Madelaine Tuininga, Trưởng ban Thương mại và Phát triển bền vững, Tổng Vụ Thương mại của Ủy ban Châu Âu, cho biết bà “hài lòng với cách tiếp cận mang tính xây dựng của Chính phủ Việt Nam” trong việc thể hiện cam kết của Việt Nam đối với EVFTA trong linh vực lao động. 

Cùng với CPTPP (Hiệp ước đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương), EVFTA đặt trọng tâm vào các điều khoản về lao động và môi trường để đảm bảo rằng thương mại tự do đóng góp cho phát triển bền vững. Cả CPTPP và EVFTA đều đề cập tới Tuyên bố năm 1998 của ILO về Các nguyên tắc và quyền cơ bản trong lao động. 

“Tuyên bố năm 1998 thể hiện sự đồng thuận toàn cầu giữa ba bên [Chính phủ, đại diện của người lao động và người sử dụng lao động] của 187 quốc gia thành viên của ILO về những điều kiện lao động cơ bản và phổ quát để đảm bảo thương mại công bằng trong một nền kinh tế toàn cầu hóa,” Giám đốc ILO Việt Nam, Chang-Hee Lee, giải thích. “Tuyên bố chỉ ra những nghĩa vụ của các quốc gia thành viên của ILO đối với việc tôn trọng và thúc đẩy 8 công ước cơ bản về xóa bỏ lao động trẻ em, lao động cưỡng bức, chống phân biệt đối xử trong lao động và bình đẳng giới, tự do hiệp hội và quyền thương lượng tập thể.” 

Theo Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐTBXH), kể từ năm 2016, với sự hỗ trợ tích cực từ ILO cũng như các đối tác khác, trong đó có EU, Bộ đã phối hợp với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam và các hiệp hội doanh nghiệp khác, tiến hành song song hai công việc quan trọng: một là xem xét phê chuẩn các công ước cơ bản còn lại của ILO và hai là nghiên cứu việc sửa đổi Bộ Luật Lao động theo hướng phù hợp với các tiêu chuẩn lao động quốc tế. Ba công ước cơ bản mà Việt Nam chưa tham gia bao gồm Công ước 98 về thương lượng tập thể, Công ước 87 về tự do hiệp hội và Công ước 105 về lao động cưỡng bức. 

Cả hồ sơ phê chuẩn Công ước 98 và dự thảo Bộ Luật Lao động sửa đổi đã được trình quốc hội và đều được đưa vào chương trình chính thức của kỳ họp Quốc hội sắp tới trong tháng 5. 

“Có thể khẳng định là cho đến ngày hôm nay, Việt Nam đã đạt được những bước tiến lớn hướng tới việc phê chuẩn các công ước cơ bản của ILO cũng như việc sửa đổi Bộ Luật Lao động,” Thứ trưởng Bộ LĐTBXH Doãn Mậu Diệp, cho biết. “Nó thể hiện thiện chí và những nỗ lực có hiệu quả của Việt Nam để hướng tới việc ký kết và phê chuẩn Hiệp định EVFTA.” 

TS Lee cũng tin tưởng rằng bước tiến của Việt Nam hướng tới phê chuẩn Công ước 98 là bước đi đầu tiên rất quan trọng, cho thấy cam kết thực sự của Việt Nam đối với Tuyên bố 1998 của ILO và Chương Thương mại và Phát triển Bền vững trong EVFTA. 

Trong khi đó, dự thảo Bộ Luật Lao động sửa đổi đã được công bố vào cuối tháng 4 để tham vấn công chúng. Một số thay đổi quan trọng trong văn bản này bao gồm quyền của người lao động được thành lập hoặc gia nhập tổ chức đại diện cho người lao động theo sự lựa chọn của họ, định nghĩa về quấy rối tình dục tại nơi làm việc, phụ nữ không còn bị cấm làm một số loại hình công việc. Dự thảo cũng cải thiện một số điều khoản nhằm bảo vệ tốt hơn để chống phân biệt đối xử đối với công đoàn và can thiệp vào công đoàn, quy trình rõ ràng hơn cho thương lượng tập thể, bảo vệ tốt hơn để chống lao động cưỡng bức và lệ thuộc vì nợ, điều khoản rõ ràng hơn về việc thuê lao động chưa thành niên thuộc nhiều lứa tuổi. 

Cũng tại buổi tọa đàm do Bộ LĐTBXH và ILO tổ chức, đại diện của Ủy ban Châu Âu đã cập nhật tình hình về hiệp định EVFTA. Theo bà Tuininga, hiệp định sẽ được ký vào mùa hè này và trình lên Nghị viện Châu Âu trong nửa cuối năm nay. 

Nguồn: ILO

Cùng chuyên mục

0988533319