logo DEPROS ICC

Covid-19 và sự kiện bất khả kháng

2020-04-07 15:43:12

Sự bùng phát gần đây của chủng mới của virus corona (COVID-19), được Thủ tướng Việt Nam tuyên bố là đại dịch vào ngày 1 tháng 2, đã có tác động đáng kể đến đời sống công cộng và hoạt động kinh doanh ở nhiều khu vực trên thế giới, bao gồm cả Việt Nam.

20180930173649891-1568343351999220782228

Nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là những doanh nghiệp tham gia thương mại hàng hóa và dịch vụ xuyên biên giới, hiện phải đối mặt với câu hỏi liệu họ hoặc đối tác thương mại của họ có chịu trách nhiệm về việc không thực hiện bất kỳ nghĩa vụ nào do tác động bất lợi của dịch bệnh hiện tại hay không, và làm thế nào để tránh khỏi rắc rối. Bài viết này sẽ phân tích về vấn đề này như một sự kiện có thể được coi là bất khả kháng (Force Majeure) trong bối cảnh giao dịch quốc tế, và cung cấp những lời khuyên hữu ích cho các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh này.

Dịch COVID-19 có thể có tác động theo nhiều cách đến các giao dịch thương mại và việc thương nhân thực hiện các nghĩa vụ của họ. Sản xuất hàng hóa có thể bị đình trệ nếu nhà máy hoạt động trong khu vực cách ly; vận chuyển hàng có thể bị hủy hoặc bị trì hoãn do các hạn chế xuất nhập khẩu mà chính phủ áp đặt; và các hợp đồng dịch vụ bị ảnh hưởng bởi việc những cá nhân liên quan bị hạn chế đi công tác, hoặc nghiêm trọng hơn, họ bị nhiễm virus và bị cách ly.

Theo pháp luật Việt Nam, thuật ngữ “sự kiện bất khả kháng” được định nghĩa tại Điều 156.1 của Bộ luật Dân sự 2015 là một sự kiện (1) xảy ra một cách khách quan, (2) không lường trước được và (3) không thể khắc phục được mặc dù đã áp dụng tất cả các biện pháp cần thiết và trong khả năng cho phép.

Một bên khi không thực hiện một hoặc nhiều nghĩa vụ của mình do sự kiện bất khả kháng có thể không phải chịu trách nhiệm đối với bên bị vi phạm và trong một số trường hợp, khi sự kiện bất khả kháng kéo dài và nghĩa vụ bị vi phạm là nghĩa vụ cơ bản, bên vi phạm có thể chấm dứt hợp đồng trên cơ sở sự kiện bất khả kháng, mà không phải chịu trách nhiệm cho bất kỳ tổn thất và thiệt hại nào của bên bị vi phạm. Nghĩa vụ chứng minh cho sự kiện bất khả kháng thuộc về bên muốn dựa vào sự kiện bất khả kháng để tránh trách nhiệm pháp lý.

Với tính chất của dịch COVID-19, nó có thể đáp ứng hai điều kiện là: xảy ra một cách khách quan và không thể lường trước được. Tuy nhiên, điều kiện thứ ba ở trên (đã thực hiện tất cả các biện pháp cần thiết để khắc phục nhưng không khắc phục được) không phải lúc nào cũng dễ chứng minh, và phải được xem xét trong từng tình huống cụ thể.

Có một số lỗi phổ biến khi các doanh nghiệp dựa vào các sự kiện bất khả kháng để từ chối trách nhiệm pháp lý. Thứ nhất, hiện nay mọi người đều đã biết về sự bùng phát dịch và các cơ quan có thẩm quyền đã thực hiện các biện pháp nhằm hạn chế, kiểm soát và loại bỏ dịch bệnh này. Do đó, các bên tham gia hợp đồng sau khi dịch bệnh này bùng phát đã thấy trước tác động tiềm tàng của nó đối với khả năng thực hiện nghĩa vụ của họ và cần áp dụng các biện pháp phòng ngừa để vượt qua.

Thứ hai, sự cản trở không được xuất phát từ hành vi vi phạm pháp luật của bên vi phạm. Nhiều hợp đồng cũng đề cập đến điều kiện này trong phần định nghĩa về sự kiện bất khả kháng. Một bên không thể vi phạm luật và sau đó lấy hậu quả của nó làm lý do cho sự kiện bất khả kháng.

Thứ ba, bên bị ảnh hưởng phải tuân thủ các quy định của hợp đồng đã thỏa thuận, nếu có. Ví dụ, thông báo phải được đưa ra trong một thời gian hợp lý hoặc thời hạn do các bên quy định, để thông báo cho bên kia rằng sự kiện bất khả kháng liên quan đến COVID-19 đã xảy ra và cản trở bên có nghĩa vụ thực hiện hợp đồng.

Việt Nam cũng là thành viên của Công ước Viên về Hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế (CISG). Công ước này sẽ áp dụng trong hợp đồng mua bán hàng hóa giữa các doanh nghiệp từ các nước thành viên của CISG, hoặc nếu các bên chọn pháp luật Việt Nam làm luật áp dụng.

CISG chưa bao giờ sử dụng thuật ngữ “sự kiện bất khả kháng” – thay vào đó, CISG quy định trong Điều 79.1 rằng “Một bên không chịu trách nhiệm về việc không thực hiện bất kỳ nghĩa vụ nào của mình nếu anh ta chứng minh rằng việc không thực hiện nghĩa vụ đó là do sự cản trở ngoài tầm kiểm soát của anh ta và rằng anh ta không thể được trông đợi một cách hợp lý là đã lường trước ​​các trở ngại này tại thời điểm ký kết hợp đồng hoặc đã tránh hoặc khắc phục nó hoặc hậu quả của nó.”

Trên thực tế, đây là một tiêu chuẩn rất cao, có nghĩa rằng chỉ những trở ngại làm cho việc thực hiện nghĩa vụ là không thể mới thỏa mãn tiêu chuẩn này, các trường hợp khác nếu chỉ làm cho việc thực hiện nghĩa vụ khó khăn hoặc không kinh tế sẽ không giúp bên bị ảnh hưởng thoát khỏi trách nhiệm.

Trong bối cảnh dịch COVID-19, một bên sẽ không thể viện dẫn sự kiện bất khả kháng để tránh thực hiện nghĩa vụ, chẳng hạn như khi một cảng bị đóng để cách ly, nhưng hàng hóa vẫn có thể được vận chuyển qua các cảng khác, mặc dù với chi phí cao hơn.

Đối mặt với các trở ngại khi thực hiện hợp đồng do dịch COVID-19, các doanh nghiệp nên khẩn trương thực hiện các biện pháp sau:

Thứ nhất, đánh giá tác động của dịch đối với việc thực hiện hợp đồng, và xác định xem liệu các điều khoản về sự kiện bất khả kháng có được áp dụng hay không, và liệu có nên tiến hành đình chỉ, chấm dứt hoặc sửa đổi hợp đồng. Tiếp theo, doanh nghiệp nên thông báo cho bên kia về sự kiện và yêu cầu xác nhận.

Thứ ba, các doanh nghiệp nên tiến hành ngay lập tức các biện pháp hiệu quả để giảm thiểu thiệt hại. Các doanh nghiệp cũng cần để ý tới quyền lợi của bên kia nếu bên đó viện dẫn sự kiện bất khả kháng, đó là quyền chấm dứt hợp đồng sau một thời gian nhất định, sau đó bán hàng hóa cho bên mua khác, hoặc trong trường hợp là bên mua, mua hàng hóa từ các nhà cung cấp khác.

Cuối cùng, các doanh nghiệp nên chú ý tới diễn biến của dịch bệnh hiện nay và tác động của nó đối với bất kỳ nghĩa vụ nào đã cam kết, và soạn thảo các điều khoản rõ ràng trong hợp đồng để hạn chế trách nhiệm liên quan đến các nghĩa vụ này.

Nguồn: Vietnam Investment Review & VIAC

Cùng chuyên mục

0988533319