logo DEPROS ICC

Đề xuất bãi bỏ quy định áp dụng cơ chế tài chính đối với Cục Sở hữu trí tuệ

2024-07-25 16:19:57

Bộ Khoa học và Công nghệ đang dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ bãi bỏ Quyết định số 06/2017/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ quy định về áp dụng cơ chế tài chính đối với Cục Sở hữu trí tuệ.

Đề xuất bãi bỏ quy định áp dụng cơ chế tài chính đối với Cục Sở hữu trí tuệ- Ảnh 1.
Theo Bộ Khoa học và Công nghệ, Nghị quyết số 104/2023/QH15 ngày 10/11/2023 của Quốc hội khoá XV về dự toán ngân sách nhà nước năm 2024 quy định từ ngày 01/7/2024, tất cả các cơ chế quản lý tài chính, thu nhập đặc thù của các cơ quan, đơn vị hành chính nhà nước bị bãi bỏ; chế độ tiền lương, phụ cấp, thu nhập được áp dụng thống nhất, không tiếp tục áp dụng cơ chế đặc thù hiện hành đối với phần kinh phí thường xuyên theo cơ chế quản lý tài chính đặc thù (chi hoạt động, tăng cường năng lực, hiện đại hóa, bảo đảm hoạt động chuyên môn, ...) của các cơ quan, đơn vị hành chính nhà nước (điểm b khoản 2 Điều 3).

Trên cơ sở đó, ngày 10/12/2023, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1600/QĐ-TTg ngày 10/12/2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc giao dự toán ngân sách nhà nước năm 2024, trong đó tại điểm d, khoản 2 Điều 3 quy định giao các bộ, cơ quan trung ương là cơ quan, đơn vị hành chính nhà nước hoặc có cơ quan, đơn vị hành chính nhà nước thuộc hoặc trực thuộc, đang thực hiện cơ chế quản lý tài chính, thu nhập đặc thù khẩn trương rà soát toàn bộ khung pháp lý về cơ chế quản lý tài chính, thu nhập đặc thù, trình cấp có thẩm quyền để bãi bỏ từ ngày 01/7/2024.

Căn cứ Kết luận số 83-KL/TW ngày 21/6/2024 của Bộ Chính trị và Báo cáo số 329/BC-CP ngày 21/6/2024 của Chính phủ, tại Nghị quyết số142/2024/QH15 ngày 29/6/2024 về Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV (Nghị quyết số 142/2024/QH15), Quốc hội đã quyết nghị như sau:

Đối với các cơ quan, đơn vị đang được áp dụng các cơ chế tài chính, thu nhập đặc thù ở Trung ương, Chính phủ, các Bộ, ngành liên quan cần tiếp tục rà soát toàn bộ khuôn khổ pháp lý để trình cấp thẩm quyền xem xét, quyết định việc sửa đổi hoặc bãi bỏ cơ chế tài chính và thu nhập đặc thù của các cơ quan, đơn vị đang được thực hiện cho phù hợp trước ngày 31/12/2024. Đồng thời thực hiện bảo lưu phần chênh lệch giữa tiền lương và thu nhập tăng thêm tháng 6 năm 2024 của cán bộ, công chức, viên chức với tiền lương từ ngày 01/7/2024 sau khi sửa đổi hoặc bãi bỏ cơ chế tài chính và thu nhập đặc thù.

Trong thời gian chưa sửa đổi, bãi bỏ thì thực hiện như sau: Từ ngày 1/7/2024, mức tiền lương và thu nhập tăng thêm hằng tháng tính theo mức lương cơ sở 2,34 triệu đồng/tháng theo cơ chế đặc thù bảo đảm không vượt quá mức tiền lương và thu nhập tăng thêm được hưởng tháng 6 năm 2024 (không bao gồm phần tiền lương và thu nhập tăng thêm do điều chỉnh hệ số tiền lương ngạch, bậc khi nâng ngạch, nâng bậc). Trường hợp tính theo nguyên tắc trên, nếu mức tiền lương và thu nhập tăng thêm từ ngày 01/7/2024 theo cơ chế đặc thù thấp hơn mức tiền lương theo quy định chung thì thực hiện chế độ tiền lương theo quy định chung.

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ Khoa học và Công nghệ đã rà soát và xác định Cục Sở hữu trí tuệ đang được áp dụng cơ chế tự chủ tài chính như đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư theo quy định tại Nghị định số 16/2015/NĐ-CP ngày 14/02/2015 và Nghị định số 54/2016/NĐ-CP ngày 14/6/2016 của Chính phủ trên cơ sở Quyết định số 06/2017/QĐ-TTg. Nguồn kinh phí tự chủ được lấy từ nguồn phí được để lại (theo tỷ lệ xác định tại Thông tư số 263/2016/TT-BTC và Thông tư số 31/2020/TT-BTC của Bộ Tài chính).

Do đó, để thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng, cần thực hiện thủ tục để bãi bỏ Quyết định số 06/2017/QĐ-TTg về việc áp dụng cơ chế tài chính đối với Cục Sở hữu trí tuệ. 

Mời bạn đọc xem toàn văn dự thảo và góp ý tại đây.

(Theo Báo Điện tử Chính phủ)

Cùng chuyên mục

0988533319