Những hóa chất độc hại, chất gây nghiện dưới dạng ma túy được pha trộn trong thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng và được bán tràn lan trên mạng xã hội khiến nhiều người dễ dàng mua được đang là vấn đề báo động. Điều lo ngại là các loại thuốc lá này đang xâm nhập một cách nhanh chóng và gia tăng sử dụng ở trong thanh thiếu niên. Theo nhiều ĐBQH, Chính phủ phải có giải pháp căn cơ, mạnh mẽ để cấm buôn bán, sử dụng các loại thuốc lá này…
Hiện nay, tình trạng thanh thiếu niên sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá đun nóng có hại cho sức khỏe gia tăng rất cao và đây cũng là một vấn đề rất đáng báo động.
Theo báo cáo kết quả khảo sát hành vi sức khỏe học sinh toàn cầu Việt Nam của Tổ chức Y tế thế giới và báo cáo nghiên cứu thực trạng sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng trong học sinh tại 11 tỉnh, thành phố ở Việt Nam năm 2023 do Đại học Y tế cộng đồng tiến hành cho thấy, tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng ở học sinh lứa tuổi từ 13 - 17 tuổi gia tăng nhanh trong những năm gần đây.
Thuốc lá điện tử được bày bán công khai, dễ dàng mua bán trên mạng xã hội (ảnh: Internet)
Tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử trong học sinh nhóm 15 - 17 tuổi tăng từ 2,6% năm 2019 lên 8,3% năm 2023; ở nhóm từ 13 - 15 tuổi tăng gấp đôi, từ 3,5% năm 2022 lên 8% năm 2023. Tỷ lệ học sinh ở nhóm tuổi 13 - 17 tuổi đang sử dụng thuốc lá nung nóng là 1,1%.
Theo Tổ chức Y tế thế giới và Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ cũng như cảnh báo của Bộ Y tế Việt Nam, sản phẩm thuốc lá thế hệ mới gây nghiện do có chứa nicotine; làm gia tăng các bệnh ung thư, tim mạch, hô hấp và ảnh hưởng sức khỏe tâm thần. Thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng còn có nguy cơ gây ra nhiều ảnh hưởng cấp tính như tổn thương phổi cấp, ngộ độc, thương tích do nổ pin, tăng nguy cơ sử dụng thuốc lá điếu thông thường, tăng nguy cơ sử dụng ma túy và các chất gây nghiện khác...
Học sinh hút thuốc lá điện tử sau giờ học tại một trường THPT ở Hà Nội (ảnh: báo Tuổi trẻ)
Hiện nay Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá không quy định về các sản phẩm thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng nên các sản phẩm này chưa được phép nhập khẩu, kinh doanh và lưu hành hợp pháp tại Việt Nam. Tuy nhiên, điều đáng lo ngại và báo động là người dân trong đó có giới trẻ lại dễ dàng mua bán, sử dụng các loại thuốc lá này mà không biết rõ nguồn gốc, tác hại của các hóa chất, thậm chí là có cả các chất gây nghiện như ma túy, các tinh chất chiết xuất từ ma túy, cây lá gây ảo giác được pha trộn trong đó.
Ma túy tẩm trong cả thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng nên cần cấm tuyệt đối
Trước thực trạng giới trẻ, đặc biệt là học sinh, thiếu niên sử dụng về thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng gia tăng, nhiều ĐBQH đã bày tỏ sự lo ngại và cho rằng, Chính phủ và các Bộ ngành cần có những giải pháp hữu hiệu để giải quyết vấn đề đáng báo động này.
Qua tiếp xúc cử tri và theo dõi trên các phương tiện thông tin đại chúng, đại biểu Hồ Thị Kim Ngân – Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn cho biết, cử tri tỉnh Bắc Kạn đang rất lo lắng vì hiện nay có rất nhiều thuốc lá điện tử và thuốc lá thế hệ mới được bày bán tràn lan trên mạng xã hội và chỉ cần tìm kiếm đơn giản trên công cụ Google là có thể mua được một cách dễ dàng. Người sử dụng chủ yếu là học sinh THCS, THPT, trong đó có nhiều em đã bị sốc thuốc phải đi cấp cứu và có trường hợp cũng suýt tử vong.
Đại biểu Hồ Thị Kim Ngân – Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn
Điều đáng lo ngại là trong các loại thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng đó không chỉ có hóa chất là những hương thơm mà có cả ma túy được tẩm, pha trộn ở trong đó. Bởi vì có trường hợp học sinh bị sốc thuốc được đưa đến bệnh viện xét nghiệm thì thấy có hàm lượng ma túy ở trong máu. Rõ ràng, điều này đã ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe của cả thế hệ trẻ.
Để ngăn chặn những tác hại do thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng gây ra, đại biểu Hồ Thị Kim Ngân đề nghị Chính phủ phải cấm tuyệt đối buôn bán, sử dụng các loại thuốc lá này, chứ không phải là thực hiện thí điểm và để có hiệu lực thi hành thì cần đưa nội dung cấm tuyệt đối vào trong Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá.
Lo ngại vấn đề sử dụng thuốc lá điện tử đang gia tăng trong học sinh, sinh viên, đại biểu Đặng Thị Bích Ngọc – Đoàn ĐBQH tỉnh Hoà Bình cho rằng, khi nói đến thuốc lá điện tử, chúng ta vẫn nghĩ chủ yếu tập trung ở thành phố. Tuy nhiên, thuốc lá điện tử đang tràn lan về vùng quê, không phải học sinh THCS sử dụng mà kể cả học sinh cấp Tiểu học cũng đua theo bạn sử dụng thuốc lá điện tử, sử dụng các chất gây nghiện khiến các bậc phụ huynh rất lo lắng.
Đại biểu Đặng Thị Bích Ngọc – Đoàn ĐBQH tỉnh Hoà Bình
Hiện nay, việc mua bán thuốc lá điện tử quá dễ dàng thông qua các mạng xã hội và nhiều nguồn kênh khác nhau. Các cháu học sinh không cần nhiều tiền, chỉ với 100.000 đồng hoặc hơn một chút cũng mua được thuốc lá điện tử. Vấn đề nguy hại hơn cả đó là các cháu không xác định được sự nguy hiểm của việc sử dụng thuốc lá điện tử. Nhiều khi các cháu cũng không biết trong thuốc lá đấy đã được bơm những tinh chất gì ảnh hưởng cho sức khỏe.
Trước thực tế trên, đại biểu Đặng Thị Bích Ngọc cho rằng, cần có một biện pháp mạnh và phải hướng tới cấm sử dụng thuốc lá điện tử, nếu như không cấm sẽ rất nguy hiểm cho cả một thế hệ. Bởi nếu lạm dụng thuốc lá điện tử này nhiều quá sẽ ảnh hưởng tới tâm sinh lý, sức khỏe cũng như tính mạng của thế hệ trẻ.
Theo đại biểu Đặng Thị Bích Ngọc, Chính phủ cần có những đánh giá, xác định sự nguy hại của thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng để có một giải pháp cụ thể, căn cơ giải quyết được vấn đề đặt ra.
Xem xét lại công tác tuyên truyền, giáo dục thanh thiếu niên về tác hại của thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng
Tỷ lệ học sinh, thiếu niên sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng gia tăng là vấn đề đáng báo động. Bởi nó không chỉ có hại cho sức khỏe mà còn có nguy cơ mắc các bệnh không lây nhiễm, rối loạn tâm thần, suy giảm sự trưởng thành của bộ não. Vì vậy, đại biểu Âu Thị Mai- Đoàn ĐBQH tỉnh Tuyên Quang đề nghị Chính phủ cũng như các Bộ, ngành liên quan phải sớm có các giải pháp quản lý việc phòng, chống tác hại của các loại thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng và các sản phẩm thuốc lá khác để kịp thời bảo vệ sức khỏe cho thanh thiếu niên.
Đại biểu Âu Thị Mai - Đoàn ĐBQH tỉnh Tuyên Quang
Ủy ban Văn hóa, Giáo dục vừa phối hợp với Ủy ban Xã hội tổ chức một phiên giải trình nêu bật nhiều vấn đề, thực trạng liên quan đến số lượng gia tăng trẻ em trong độ tuổi từ 13 - 17 sử dụng thuốc lá nung nóng, thuốc lá điện tử và những tác hại từ việc sử dụng các loại thuốc lá mới này đối với sức khỏe và sự phát triển của trẻ em, kể cả về thể chất và tâm thần.
Đại biểu Nguyễn Thị Mai Thoa – Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương cho biết, vấn đề gia tăng tình trạng thanh thiếu niên sử dụng thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng có hại cho sức khỏe đã được Ủy ban báo cáo đến Quốc hội, kiến nghị những giải pháp hữu hiệu để khắc phục tình trạng này.
Đóng góp ý kiến vào việc giảm tỷ lệ thanh thiếu niên sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, đại biểu Nguyễn Thị Mai Thoa đề nghị Chính phủ phải thể hiện rõ những quan điểm và hướng giải quyết, sớm đề xuất những giải pháp quản lý để kịp thời bảo vệ thanh thiếu niên.
Đưa ra một giải pháp khác trong công tác phòng chống tác hại của thuốc lá thế hệ mới, đại biểu Lê Hữu Trí – Đoàn ĐBQH tỉnh Khánh Hoà nêu quan điểm: Việc sử dụng thuốc lá, đặc biệt là thuốc lá điện tử trong thanh thiếu niên hiện nay khá phổ biến. Nếu chúng ta cứ để tình trạng này kéo dài sẽ ảnh rất lớn đến thể lực của dân tộc, sự phát triển lâu dài của quốc gia.
Tuy nhiên, theo đại biểu Lê Hữu Trí, biện pháp quản lý Nhà nước đối với các loại thuốc lá trên còn chưa hiệu quả. Vì vậy, đã đến lúc các cơ quan cần xem xét lại công tác tuyên truyền, giáo dục thanh thiếu niên về tác hại của thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng. Theo đó, công tác giáo dục phải từ cấp Tiểu học và việc giảng dạy phải từ việc ý thức cho học sinh trong cách ăn uống, nhận biết được các nguy cơ, tác hại của việc sử dụng thuốc lá.
Với những lo ngại, băn khoăn trước thực trạng sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng đang gia tăng trong thanh thiếu niên, các ĐBQH cho rằng, Chính phủ cần có sự đánh giá về tác hại của việc sử dụng các loại thuốc lá này cũng như đưa ra giải pháp quyết liệt, mạnh mẽ hơn để bảo vệ sức khỏe, trí tuệ và sự phát triển của cả thế hệ trẻ ở hiện tại và trong tương lai./.
(Theo Cổng thông tin điện tử Quốc hội)