logo DEPROS ICC

Một số quy định của Luật Quản lý xuất nhập cảnh Nhật Bản liên quan đến Thực tập sinh Nhật Bản

2019-02-18 15:18:27

Luật quản lý xuất nhập cảnh Nhật Bản quy định người nước ngoài muốn nhập cảnh vào Nhật Bản phải kê khai vào hồ sơ xin tư cách lưu trú. Tuỳ theo thân phận, địa vị và mục đích nhập cảnh, cơ quan quản lý xuất nhập cảnh xem xét để cấp tư cách lưu trú.

  1. Tư cách lưu trú

Luật Quản lý xuất nhập cảnh Nhật Bản quy định người nước ngoài muốn nhập cảnh vào Nhật Bản phải kê khai vào hồ sơ xin tư cách lưu trú. Tuỳ theo thân phận, địa vị và mục đích nhập cảnh, cơ quan quản lý xuất nhập cảnh xem xét để cấp tư cách lưu trú. Sau khi có được tư cách lưu trú, người nước ngoài có nguyện vọng nhập cảnh Nhật Bản sẽ tới cơ quan đại diện ngoại giao của Nhật Bản ở nước sở tại để xin VISA nhập cảnh. Khi tới Nhật Bản, người nước ngoài chỉ được phép tiến hành các hoạt động theo đúng mục đích đã được quy định ở tư cách lưu trú do phía Nhật Bản cấp. 

Đối với thực tập sinh, tư cách lưu trú là “ Thực tập sinh kỹ năng” và như vậy, thực tập sinh chỉ được phép tiến hành các hoạt động của một thực tập sinh kỹ năng. Trong trường hợp thực tập sinh bỏ khỏi nơi thực tập để đi làm việc ở các nhà hàng hoặc nhà máy khác… sẽ là vi phạm quy định về tư cách lưu trú và sẽ bị trục xuất khỏi Nhật Bản. Tư cách lưu trú của thực tập sinh sẽ được ghi trên thị thực nhập cảnh (VISA) và dán vào hộ chiếu của từng thực tập sinh. 

  1. Thời gian lưu trú

Nội dung thị thực nhập cảnh dán vào hộ chiếu của thực tập sinh sẽ thể hiện gồm: 

  • Tư cách lưu trú
  • Thời gian lưu trú
  • Ngày được phép nhập cảnh
  • Tên sân bay (địa phương) nơi cửa khẩu nhập cảnh

Ảnh: Mẫu thị thực nhập cảnh vào Nhật Bản

Thời gian lưu trú là thời gian thực tập sinh sẽ được phép ở lại Nhật Bản để tiến hành các hoạt động thực tập kỹ năng. Thông thường, Bộ Tư pháp Nhật Bản mà trực tiếp là cơ quan quản lý xuất nhập cảnh sẽ cấp tư cách lưu trú với thời hạn 6 tháng hoặc 1 năm cho người thực tập sinh. Hết thời hạn lưu trú, cơ quan tiếp nhận phải làm thủ tục để xin gia hạn tư cách lưu trú với tổng thời gian lưu trú tối đa không quá 3 năm đối với thực tập sinh kỹ năng.

  1. Thay đổi tư cách lưu trú

Theo quy định của Luật quản lý xuất nhập cảnh, người nước ngoài có tư cách lưu trú muốn thay đổi mục đích ở lại phải làm thủ tục xin Bộ trưởng Bộ Tư pháp (đại diện là Cục trưởng cục Quản lý xuất nhập cảnh địa phương) để thay đổi tư cách lưu trú cho phù hợp với mục đích ở lại. Đối với thực tập sinh kỹ năng giai đoạn năm thứ nhất, tư cách lưu trú là “Thực tập sinh kỹ năng số 1-B” với thời gian lưu trú là 1 năm. Trước khi hết hạn lưu trú 1 năm, thực tập sinh sẽ phải tham dự kỳ thi và phải làm thủ tục để xin thay đổi tư cách lưu trú mới “Thực tập sinh kỹ năng số 2-B” để chuyển sang thực hiện chương trình thực tập năm thứ hai và năm thứ ba.

Ảnh: Mẫu tư cách lưu trú 

Ảnh: Mẫu tư cách lưu trú

  1. Gia hạn thời gian lưu trú.

Gia hạn thời gian lưu trú là các thủ tục khi một người nước ngoài ở Nhật Bản muốn tiếp tục các hoạt động mà tư cách lưu trú hiện tại của họ cho phép nhưng thời gian lưu trú đã chuẩn bị hết hạn. Ví dụ, trường hợp thực tập sinh kỹ năng kết thúc năm thứ hai, tiếp tục thực hiện chương trình thực tập năm thứ ba, thực tập sinh phải làm thủ tục để xin phép gia hạn thời gian lưu trú cho năm tiếp theo. 

  1. Nhập cảnh lại Nhật Bản trong thời gian còn tư cách lưu trú

Theo quy định, người nước ngoài lưu trú hợp pháp tại Nhật Bản được tự do rời khỏi nước Nhật bất cứ lúc nào mà không cần qua bất cứ thủ tục đặc biệt nào. Thế nhưng, khi ra khỏi Nhật Bản, tư cách lưu trú và thời gian lưu trú tại Nhật Bản của người đó sẽ mất hiệu lực. Để quay trở lại Nhật Bản, người nước ngoài đó sẽ phải làm thủ tục xin thị thực nhập cảnh mới với nhiều thủ tục phức tạp và mất nhiều thời gian. Luật xuất nhập cảnh Nhật Bản cho phép người nước ngoài đang còn thời gian lưu trú tại Nhật Bản được làm thủ tục tái nhập cảnh trước khi người đó xuất cảnh Nhật Bản. Những người đã hoàn thành thủ tục tái nhập cảnh sẽ được miễn thị thực khi nhập cảnh lại Nhật Bản và chỉ phải làm thủ tục kiểm tra nhập cảnh đơn thuần. Ví dụ, trong thời gian thực tập, thực tập sinh vì những lý do chính đáng và được sự đồng ý của cơ quan tiếp nhận để về nước trong thời gian ngắn, thực tập sinh đó sẽ làm các thủ tục xin tái nhập cảnh Nhật Bản tại Cục quản lý xuất nhập cảnh địa phương để có thể quay trở lại Nhật Bản thực hiện tiếp chương trình thực tập kỹ năng.

  1. Hộ chiếu và Chứng minh thư người nước ngoài

- Hộ chiếu: 

Hộ chiếu (passport) là một loại giấy tờ quan trọng do chính phủ cấp cho công

dân nước mình như một Giấy Phép “Ðược quyền xuất cảnh khỏi đất nước và được quyền nhập cảnh trở lại từ nước ngoài”.  Nội dung hộ chiếu thể hiện các thông tin về cá nhân người mang hộ chiếu đó như: họ và tên, giới tính, ngày tháng năm sinh, quốc tịch, thời gian cấp, thời gian hết hạn… và thị thực nhập cảnh của nước mà người đó

* Lưu ý: Trong thời gian lưu trú tại Nhật Bản, trước khi hộ chiếu hết hạn, thực tập sinh phải mang hộ chiếu đến cơ quan đại diện ngoại giao Việt Nam tại Nhật Bản (Đại sứ quán Việt Nam hoặc Tổng lãnh sự quán Việt Nam tại Nhật Bản) để làm thủ tục cấp đổi hộ chiếu. Hộ chiếu hết hạn sẽ không có giá trị sử dụng. 

- Chứng minh thư người nước ngoài (Thẻ đăng ký ngoại kiều)

  Theo luật đăng ký người nước ngoài, thực tập sinh sau khi nhập cảnh Nhật Bản, trong phạm vi 90 ngày kể từ khi nhập cảnh, thực tập sinh phải đăng ký với văn phòng hành chính địa phương để được cấp chứng minh thư người nước ngoài hay còn gọi là  “Thẻ đăng ký ngoại kiều”. Mục đích của việc này là để cơ quan quản lý hành chính ở địa phương có thể nắm được các thông tin về thực tập sinh đang thực tập tại địa bàn và phục vụ cho công tác quản lý.

Thực tập sinh phải luôn mang theo mình Thẻ đăng ký ngoại kiều và phải xuất trình khi có yêu cầu của nhân viên di trú và cảnh sát. Khi kết thúc chương trình thực tập kỹ năng trở về nước, thực tập sinh phải trả lại Thẻ đăng ký ngoại kiều cho nhân viên di trú thi hành việc quản lý xuất nhập cảnh tại sân bay. 

Ảnh: Mẫu Thẻ đăng ký ngoại kiều

Ảnh: Mẫu thẻ đăng ký ngoại kiều

  1. Trục xuất

 Tại Nhật Bản, nếu người nước ngoài bị coi là có hành vi gây nhiễu loạn trật tự quản lý, kiểm soát xuất nhập cảnh hoặc đe doạ lợi ích, an ninh, trật tự công cộng của Nhật Bản thì người đó sẽ bị trục xuất khỏi Nhật Bản. Điều 24 Luật xuất nhập cảnh của Nhật Bản quy định, người có hành vi sau sẽ bị áp dụng xử phạt theo quy định của pháp luật, đồng thời sẽ bị cưỡng chế trục xuất:

- Ở quá hạn bất hợp pháp: Những người còn ở lại bất hợp pháp sau thời gian được phép lưu trú

- Tiến hành các hoạt động sai với mục đích lưu trú đã được cho phép: Những người có tư cách lưu trú tại Nhật Bản nhưng sau khi nhập cảnh Nhật Bản lại tham gia vào các hoạt động không nằm trong nội dung được cho phép của tư cách lưu trú đó, ví dụ như: Du học sinh nhưng không học tập mà bỏ đi làm việc tại các cơ sở sản xuất, thực tập sinh kỹ năng bỏ ra ngoài làm các công việc khác…

- Vượt biên bất hợp pháp vào Nhật Bản: Những người nước ngoài không có hộ chiếu hoặc sổ tay thuyền viên (hay sổ tay phi hành đoàn) vào Nhật Bản thông qua con đường bất hợp pháp như vượt biển...

- Nhập cảnh bất hợp pháp: Những người dùng thủ đoạn gian dối để nhập cảnh vào Nhật Bản (ví dụ như sử dụng hộ chiếu, giấy tờ giả …)

- Vi phạm luật Hình sự: Những người nước ngoài vi phạm luật hình sự của Nhật Bản đã bị kết án, ví dụ như phạm tội trộm cắp, sử dụng và buôn bán ma tuý…

* Lưu ý: Người nước ngoài khi đã bị trục xuất sẽ bị từ chối không được nhập cảnh trở lại Nhật Bản trong thời gian từ 5 năm đến 10 năm.

                                                                                                                                                     Nguồn: vinwork

                                         

 

 

Cùng chuyên mục

0988533319