Cùng với những biện pháp mạnh mẽ, quyết liệt của chính phủ thì việc nâng cao nhận thức của người dân trong chủ động phòng, chống dịch bệnh là vô cùng quan trọng.
Thời gian qua Chính phủ, các Bộ, ban, ngành ở Trung ương và chính quyền các địa phương trên toàn quốc đã tích cực, chủ động, có nhiều biện pháp mạnh, quyết liệt phòng, chống dịch bệnh và đang kiểm soát tốt tình hình. Tuy nhiên, qua theo dõi các phương tiện truyền thông cho thấy, tinh thần và nhận thức phòng, chống dịch bệnh Covid-19 của một số người dân chưa cao, chưa có biện pháp cụ thể, chủ động ứng phó với dịch bệnh, coi thường công tác phòng chống dịch bệnh tại cộng đồng; đã có trường hợp người nhiễm hoặc nghi nhiễm vi rút Covid-19 từ chối hợp tác với cơ quan y tế thực hiện cách ly, thậm chí bỏ trốn, đi khỏi khu vực cách ly, như: vụ bà N.T.D (trú tại huyện Thủy Nguyên, thành phố Hải Phòng đã bỏ trốn khỏi khu vực cách ly phòng chống dịch Covid-19 tại Trung đoàn 123 thuộc Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Lạng Sơn; vụ bà H.T.H (trú tại Đội 5, thôn Ngọc Thạch, xã Tịnh An, thành phố Quảng Ngãi) đã tự ý rời khỏi khu vực cách ly người nghi nhiễm vi rút Covid-19 để ra chợ buôn bán rau; vụ một người Trung Quốc nghi nhiễm vi rút Covid-19 được đưa vào cách ly điều trị tại bệnh viện, nhưng người này không hợp tác mà bỏ về nhà ở quận Bình Thạnh, thành phố Hồ Chí Minh,…
Vậy, những hành vi như vậy có phải là hành vi vi phạm pháp luật hay không? Quyền và nghĩa vụ của người nhiễm hoặc nghi nhiễm vi rút Covid-19 như thế nào theo quy định của pháp luật?
Căn cứ tính chất, mức độ nguy hiểm của dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do vi rút Covid-19 gây ra, ngày 29/01/2020, Bộ trưởng Bộ Y tế đã ban hành Quyết định số 219/QĐ-BYT về việc bổ sung bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút corona (nCoV) gây ra vào danh mục các bệnh truyền nhiễm nhóm A theo quy định tại Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm năm 2007 (sau đây viết tắt là Luật PCBTN).
ngày 01/02/2020 Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 173/QĐ-TTg về việc công bố dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút Corona gây ra. Theo đó, tính chất, mức độ nguy hiểm của dịch được xác định là bệnh truyền nhiễm nhóm A, nguy cơ ở mức độ khẩn cấp toàn cầu; trường hợp này, các cơ quan nhà nước có thẩm quyền sẽ áp dụng các biện pháp cần thiết theo quy định của Luật PCBTN để phòng, chống dịch bệnh. Như vậy, người nhiễm hoặc nghi nhiễm vi rút Covid-19 sẽ có quyền và nghĩa vụ theo quy định của pháp luật như sau:
Luật PCBTN định nghĩa “Bệnh truyền nhiễm là bệnh lây truyền trực tiếp hoặc gián tiếp từ người hoặc từ động vật sang người do tác nhân gây bệnh truyền nhiễm”, “Tác nhân gây bệnh truyền nhiễm là vi rút, vi khuẩn, ký sinh trùng và nấm có khả năng gây bệnh truyền nhiễm”. Bệnh truyền nhiễm được phân loại thành ba nhóm là nhóm A, nhóm B, và nhóm C; trong đó, Nhóm A gồm các bệnh truyền nhiễm đặc biệt nguy hiểm có khả năng lây truyền rất nhanh, phát tán rộng và tỷ lệ tử vong cao hoặc chưa rõ tác nhân gây bệnh, gây nguy hiểm cho sức khỏe của cộng đồng.
Để bảo vệ sức khỏe của cộng đồng, Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2009 quy định người mắc bệnh truyền nhiễm nhóm A không có quyền được từ chối chữa bệnh mà thuộc trường hợp bắt buộc chữa bệnh (điểm a khoản 1 Điều 66); đồng thời, Luật PCBTN quy định người mắc bệnh dịch, người bị nghi ngờ mắc bệnh dịch, người mang mầm bệnh dịch, người tiếp xúc với tác nhân gây bệnh dịch thuộc nhóm A phải được cách ly; hình thức cách ly bao gồm cách ly tại nhà, tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh hoặc tại các cơ sở, địa điểm khác. Trường hợp các đối tượng phải được cách ly không thực hiện yêu cầu cách ly của cơ sở y tế thì bị áp dụng biện pháp cưỡng chế cách ly theo quy định của Chính phủ (Điều 49).
Tương ứng với việc bắt buộc chữa bệnh, Luật PCBTN quy định người mắc bệnh dịch nhóm A được khám và điều trị miễn phí (khoản 2 Điều 48), quy định này vừa giúp người bệnh yên tâm chữa bệnh mà không phải lo lắng về gánh nặng chi phí khám bệnh, chữa bệnh, vừa giúp các biện pháp chống dịch được thực hiện nhanh chóng và hiệu quả. Theo đó, tại Nghị định số 101/2010/NĐ-CP ngày 30/09/2010 của Chính phủ và Thông tư số 32/2012/TT-BTC ngày 29/02/2012 của Bộ trưởng Bộ Tài chính, thì người bị áp dụng biện pháp cách ly y tế được hưởng các chế độ sau:
(1) Được miễn chi phí khám bệnh, chữa bệnh khi phát hiện, điều trị các bệnh truyền nhiễm.
(2) Được cấp không thu tiền các vật dụng thiết yếu khác phục vụ nhu cầu sinh hoạt trong những ngày cách ly y tế theo định mức sử dụng do Bộ Y tế ban hành.
(3) Được miễn chi phí di chuyển từ nhà, từ cơ sở, địa điểm phát hiện đối tượng phải thực hiện cách ly y tế đến cơ sở cách ly y tế hoặc từ cơ sở cách ly y tế này đến cơ sở cách ly y tế khác theo quyết định của người có thẩm quyền; được bảo đảm vận chuyển thuận lợi, an toàn và đúng quy định.
(4) Trường hợp người bị áp dụng biện pháp cách ly y tế đang trong thời gian cách ly mà mắc các bệnh khác phải khám, điều trị thì phải thanh toán chi phí khám bệnh, điều trị bệnh đó; nếu người đó có thẻ bảo hiểm y tế thì việc thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh thực hiện theo quy định của pháp luật về bảo hiểm y tế.
(5) Trường hợp người bị áp dụng biện pháp cách ly y tế tử vong thì được miễn chi phí cho việc bảo quản, quàn ướp, mai táng, di chuyển thi thể, hài cốt theo quy định của pháp luật về phòng, chống bệnh truyền nhiễm.
(6) Người bị áp dụng biện pháp cách ly y tế được cung cấp bữa ăn theo yêu cầu, phù hợp với khả năng của cơ sở thực hiện cách ly y tế. Chi phí tiền ăn do người bị áp dụng biện pháp cách ly y tế tự chi trả. Trường hợp người bị cách ly y tế là người thuộc hộ nghèo theo quy định thì được hỗ trợ tiền ăn theo mức 40.000 đồng/ngày trong thời gian cách ly y tế.
(7) Người bị áp dụng biện pháp cách ly y tế được cơ sở thực hiện cách ly y tế cấp giấy chứng nhận thời gian thực hiện cách ly y tế để làm căn cứ hưởng các chế độ theo quy định của Bộ luật Lao động, Luật Bảo hiểm xã hội và các văn bản hướng dẫn.
Luật PCBTN cũng có các quy định trách nhiệm của trong phòng lây nhiễm bệnh truyền nhiễm tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, như: khai báo trung thực diễn biến bệnh; tuân thủ chỉ định, hướng dẫn của thầy thuốc, nhân viên y tế và nội quy, quy chế của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; đối với người mắc bệnh truyền nhiễm nhóm A ngay sau khi xuất viện phải đăng ký theo dõi sức khỏe với y tế xã, phường, thị trấn nơi cư trú (khoản 1 Điều 34); trong trường hợp có dịch, người mắc bệnh dịch hoặc người phát hiện trường hợp mắc bệnh dịch hoặc nghi ngờ mắc bệnh dịch phải khai báo cho cơ quan y tế gần nhất trong thời gian 24 giờ, kể từ khi phát hiện bệnh dịch (khoản 1 Điều 47);
Luật PCBTN nghiêm cấm hành vi: che giấu, không khai báo hoặc khai báo không kịp thời các trường hợp mắc bệnh truyền nhiễm theo quy định của pháp luật (khoản 3 Điều 8); cố ý khai báo, thông tin sai sự thật về bệnh truyền nhiễm (khoản 4 Điều 8); không chấp hành các biện pháp phòng, chống bệnh truyền nhiễm theo yêu cầu của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền (khoản 7 Điều 8).
Về xử lý vi phạm, điểm b khoản 2 Điều 10 Nghị định số 176/2013/NĐ-CP ngày 14/11/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế quy định trong trường hợp từ chối hoặc trốn tránh việc áp dụng quyết định cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với người mắc bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A, đối tượng kiểm dịch y tế biên giới mắc bệnh hoặc mang tác nhân gây bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A thì cá nhân sẽ bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng; ngoài ra, đối tượng vi phạm còn bị buộc áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là buộc thực hiện việc cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế theo quy định của Chính phủ.
Với hành vi làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người khác, người vi phạm còn có thể bị xử lý về hình sự. Cụ thể, Bộ luật Hình sự năm 2015 (được sửa đổi, bổ sung năm 2017), tại Điều 240 về Tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người, quy định:
"1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây, làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:
a) Đưa ra hoặc cho phép đưa ra khỏi vùng có dịch bệnh động vật, thực vật, sản phẩm động vật, thực vật hoặc vật phẩm khác có khả năng lây truyền dịch bệnh nguy hiểm cho người, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác;
b) Đưa vào hoặc cho phép đưa vào lãnh thổ Việt Nam động vật, thực vật hoặc sản phẩm động vật, thực vật bị nhiễm bệnh hoặc mang mầm bệnh nguy hiểm có khả năng lây truyền cho người;
c) Hành vi khác làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho người.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:
a) Dẫn đến phải công bố dịch thuộc thẩm quyền của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hoặc Bộ trưởng Bộ Y tế;
b) Làm chết người.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 12 năm:
a) Dẫn đến phải công bố dịch thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ;
b) Làm chết 02 người trở lên.
4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm".
Như vậy, hành vi làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người khác, nếu hậu quả nghiêm trọng xảy ra sẽ cấu thành tội phạm, đủ điều kiện bị xử lý hình sự thì người vi phạm sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật.
Do đó, để đảm bảo việc phòng chống dịch bệnh Covid-19 có hiệu quả, tránh lây lan trong cộng đồng gây hậu quả nghiêm trọng, các cấp, các ngành, các địa phương cần thực hiện nghiêm, đồng bộ, quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp phòng, chống dịch bệnh theo đúng chỉ đạo của Ban Bí thư Trung ương Đảng tại Công văn số 79-CV/TW ngày 29/01/2020; chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại các Chỉ thị số: 05/CT-TTg ngày 28/01/2020, 06/CT-TTg ngày 31/01/2020; Công điện số 156/CĐ-TTg ngày 02/02/2020.
Hiện nay, công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 đã được quan tâm, chỉ đạo quyết liệt, chặt chẽ với các giải pháp phù hợp, đồng bộ cùng với tinh thần triển khai quyết liệt, chủ động, kịp thời và đạt được kết quả cụ thể, được nhân dân cả nước tin tưởng và quốc tế ghi nhận. Vì vậy, người dân nên nâng cao ý thức, trách nhiệm, có bệnh cần phải tự giác trung thực và đặc biệt phải hiểu rằng cách ly trước hết là vì quyền lợi của chính bản thân mình, sau đó là quyền lợi của gia đình và cộng đồng xã hội. Đồng thời, các cá nhân, những người có tiếp xúc gần với trường hợp mắc bệnh, các trường hợp nghi ngờ, các trường hợp về từ vùng có dịch, đặc biệt với những trường hợp về từ Trung Quốc cũng cần phải chấp hành nghiêm việc cách ly y tế tại cơ sở cách ly tập trung, cách ly tại gia đình theo hướng dẫn của cơ quan y tế./.
Địa chỉ: Số 33 ngách 8 ngõ 251 đường Nguyễn Khang, Phường Yên Hoà, Quận Cầu Giấy, Thành phố Hà Nội, Việt Nam
Tel: 098 8533319
Email: info.deprosicc@gmail.com