logo DEPROS ICC

Sửa Nghị định 20: Áp dụng hồi tố sẽ tạo cơ chế xin cho

2020-04-08 14:46:02

Trước những ý kiến cho rằng việc nâng chi phí lãi vay 30% chỉ áp dụng cho kỳ tính thuế từ năm 2019 theo dự thảo nghị định sửa đổi Nghị định 20/2017/NĐ-CP đã gây khó khăn cho doanh nghiệp, mà cần được áp dụng từ năm 2017, Bộ Tài chính cho rằng khó áp dụng hồi tố đối với quy định này.

Không có cơ sở pháp lý cho việc áp dụng hồi tố

Theo Bộ Tài chính, nếu cho phép hồi tố từ năm 2017 và năm 2018 có thể tạo cơ chế xin cho, gây khó khăn cho công tác quản lý thuế. Ngoài ra, theo quy định tại khoản 1 Điều 152 Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015, thì hiệu lực trở về trước (hồi tố) của văn bản quy phạm pháp luật được quy định:

“Trong trường hợp thật cần thiết, để đảm bảo lợi ích chung của xã hội, thực hiện các quyền, lợi ích của tổ chức, cá nhân được quy định trong luật, nghị quyết của Quốc hội, văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan trung ương mới được quy định hiệu lực trở về trước”.

Theo Bộ Tài chính, dự thảo nghị định sửa đổi khoản 3 Điều 8 Nghị định 20/2017/NĐ-CP chỉ điều chỉnh đối với một nhóm đối tượng có chi phí lãi vay vượt quá mức khống chế, không phải lợi ích chung của xã hội. Vì vậy, việc áp dụng hồi tố cần được cân nhắc kỹ.

Bộ Tài chính lý giải, về mặt bằng chính sách, quy định tại khoản 3 Điều 8 Nghị định 20 hiện có khác so với mặt bằng dự thảo nghị định, không chỉ có nội dung điều chỉnh khống chế mức 20% lên 30%, mà còn cho phép tính lãi thuần (chi phí lãi trừ đi lãi tiền gửi, lãi cho vay), đồng thời lại cho chuyển chi phí lãi vay sang kỳ tính thuế tiếp theo trong 5 năm liên tục, vì vậy nếu tính lại theo mặt bằng dự thảo nghị định thì phải bồi hoàn cho người nộp thuế. Có thể số thu ngân sách nhà nước (NSNN) thấp hơn số bồi hoàn.

Cũng theo Bộ Tài chính, các khoản thu từ năm 2017 và năm 2018 đã được đưa vào quyết toán NSNN, Kiểm toán Nhà nước đã xác nhận, nay nếu tính lại thì phải sử dụng NSNN để hoàn thuế. Trong khi đó, dự toán NSNN năm 2020 mà Quốc hội phê duyệt không có khoản này.

Theo đánh giá sơ bộ của Tổng cục Thuế, đối với các doanh nghiệp đã tuân thủ kê khai, năm 2017 số chi phí lãi vay được trừ tăng 10.336 tỷ đồng, tương đương số thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) phải hoàn là 2.067 tỷ đồng. Năm 2018, số chi phí lãi vay được trừ là 14.041 tỷ đồng, tương đương số thuế TNDN phải hoàn trả là 2.808 tỷ đồng.

Số liệu này chưa bao gồm tiền lãi tương ứng, tiền chậm nộp từng kỳ quyết toán đến nay, không bao gồm các doanh nghiệp cố tình không tuân thủ kê khai chi phí lãi vay và số thuế phải nộp chỉ được phát hiện, truy thu qua thanh tra kiểm tra trong thời gian tới. Với tổng số kinh phí phải hoàn là hơn 4.875 tỷ đồng, số tiền này hiện chưa có nguồn để thanh toán.

Có thể phát sinh tiêu cực khi áp dụng hồi tố

Một số ý kiến cho rằng, đây là số thuế nộp thừa nên hoàn trả doanh nghiệp bằng cách khấu trừ vào tiền thuế phải nộp năm tiếp theo. Tuy nhiên, Bộ Tài chính cho biết, theo quy định tại các Điều 37, 40, 47 và 48 của Luật Quản lý thuế, số thuế nộp thừa là số thuế cơ quan thuế ấn định thừa, hoặc số thuế bị doanh nghiệp tính thừa, chứ không phải số thuế tăng do thay đổi chính sách.

Vì vậy không vận dụng được quy định hoàn nộp thừa trong trường hợp này nếu cho áp dụng hồi tố và sẽ tạo cơ chế không minh bạch, không rõ ràng, gây khó khăn cho công tác quản lý thuế, quản lý cán bộ của ngành Thuế.

Một lý do khác rất khó để áp dụng hồi tố, theo Bộ Tài chính thì công tác quản lý thuế đối với giao dịch liên kết được thực hiện trong tất cả các đơn vị của ngành Thuế, từ Tổng cục Thuế đến các cục thuế, các chi cục thuế. Trường hợp hồi tố đối tượng được hoàn thuế lên đến hàng nghìn doanh nghiệp (năm 2017 là 1.034 doanh nghiệp, năm 2018 là 1.093 doanh nghiệp), do đó có thể gây phức tạp trong quy trình quản lý và không loại trừ khả năng phát sinh tiêu cực trong quá trình thực hiện.

Văn bản của Bộ Tài chính cũng cho biết, qua rà soát Luật Thanh tra, Bộ Tài chính thấy rằng, đối với các doanh nghiệp ngành Thuế đã xử lý truy thu qua thanh tra, kiểm tra, nếu cho điều chỉnh kê khai xác định lại chi phí lãi vay được trừ theo phương án hồi tố, thì việc kiểm soát số liệu kê khai lại số thuế sẽ chủ yếu phụ thuộc vào tính tự giác tuân thủ của doanh nghiệp.

Việc kiểm soát chính xác số liệu kê khai lại sẽ gặp nhiều khó khăn, vì nếu muốn xác định chính xác số thuế thì phải tổ chức kiểm tra nội dung điều chỉnh kê khai tại trụ sở doanh nghiệp, nhưng cơ quan thuế chỉ được tiến hành thanh tra lại khi người ký quyết định thanh tra có phát hiện sai lầm, vi phạm pháp luật cụ thể trong quá trình tiến hành thanh tra, hoặc cơ quan, người có thẩm quyền khác phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật nghiêm trọng, làm sai lệch bản chất vụ việc.

Bộ Tài chính cho biết, Chỉ thị số 20/CT-TTg ngày 17/5/2017 về việc chấn chỉnh hoạt động thanh tra, kiểm tra đối với doanh nghiệp, Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu không thanh tra, kiểm tra quá 1 lần/năm đối với doanh nghiệp. Mặt khác, việc hồi tố sẽ dẫn đến thủ tục phải hoàn thuế cho hàng nghìn doanh nghiệp, nếu không xác định được số thuế phải nộp, thuế phải hoàn qua thanh tra, kiểm tra, kiểm toán thì sẽ dẫn đến tiêu cực.

Nguồn: Nhật Minh(Thời báo tài chính)

Cùng chuyên mục

0988533319